Bạn là một tín đồ của ăn uống? Bạn tưởng tượng mình nói một cách đầy đam mê với giám khảo IELTS về chủ đề ẩm thực và mùi hương trong phòng thi speaking? Thật tuyệt vời phải không? Thế nhưng bạn chưa biết học từ vựng ở đâu cho chủ đề này để chém trong phòng thi? Hay bạn không phải tín đồ ăn uống? Bạn lo lắng vào phòng thi không biết nói gì về chủ đề hương, vị hay ẩm thực để luyện thi? Tất cả những lo lắng của các bạn sẽ được giải tỏa sau khi đọc bài viết này. Bài viết được chia làm 3 mục: giới thiệu các từ vựng mô tả vị của món ăn. Sau đó là các từ vựng mô tả mùi hương. Cuối cùng là các nguồn để các bạn làm phong phú từ vựng cho chủ đề này, ôn luyện tốt cho kỳ thi IELTS sắp tới của bạn!
1. Mô tả vị
Năm vị cơ bản - Chua (sourness) ngọt (sweetness) mặn (saltiness) đắng (bitterness) ngọt thịt (savoriness) ai cũng biết rồi. Nhưng không chỉ đơn giản là vậy! Mỗi vị đều có tầng lớp (layer) mức độ (gradation) riêng của chúng. Các bạn xem nhé:
-
Chua là sour. Nhưng đĩa xà lách vừa lên, bạn nặn ít chanh vào thôi thì bạn đã "brighten up the dish/ add a little brightness". Lỡ tay chơi nửa trái chanh thì, không sao, vẫn ăn được, nhưng nó sẽ "sharp" một chút. Chua giấm thì "vinergary/ acidic", còn chua trái cây thì "tart". Vị chua "cắn" lại cả bạn thì gọi là "tangy".
-
Ngọt là sweet. Nhưng ngọt vừa phải thì ta nói là "mildly sweet", chứ ngọt lợm giọng thì phải gọi là "cloyingly sweet". "Saccharine" là một loại đường, cũng có thể gọi là "ngọt ngào", nhưng dùng để mô tả văn của John Green thì hợp hơn là mô tả món ăn. Cũng có thể dùng "sugary" khi bạn chỉ muốn nói là, trời ơi món này nhiều đường quá.
-
Mặn là salty. Nhưng mặn thụt lưỡi, bạn cũng có thể dùng chữ "tang" -- hãy nhớ cảm giác "bị cắn lại" ở trên. "Brine" là nước muối hay dùng để ướp thịt cá gà, vậy thì “briny” cũng là mặn.
-
Đắng là bitter. Nhưng, đôi khi chữ “tart” ở trên cũng được dùng để nói về cảm giác đắng, nhất là khi bạn bình phẩm rượu vang! Đối với vị, thì các chữ được dùng để mô tả mức độ có thể là: strong – mạnh: A strong bitterness. Mild – nhẹ nhàng: A mild sweetness. Hint – một chút thôi: A hint of meatiness. Cũng có thể kết hợp với subtle – phảng phất: A very subtle hint of bitterness.
-
Vị cuối cùng là vị ngọt thịt – umami. Đây là từ tiếng Nhật, nếu bạn thích từ “thuần Anh” hơn thì có thể dùng “meatiness”. Ngoài ra cũng có “savory” hoặc “rich” – chữ “rich” này đa dụng lắm, chúng ta sẽ nói thêm ở các phần sau. Nếu một món ăn, ăn vào chỉ thấy vị thịt là “áp đảo” nhất thôi, chúng ta có thể nói “meat forward”: This dish is very meat-forward. Chữ “forward” hoàn toàn có thể áp dụng với các danh từ khác: This phở is very beef-forward. This gỏi is very citrus-forward.
2. Mô tả mùi hương
-
Cái đuôi “-y” thần kỳ. Trong văn nói, thường người ta sẽ không quá cầu kỳ khi mô tả hương vị của món ăn, mà đôi khi chỉ đơn giản thêm đuôi -y vào sau danh từ tên món ăn mà thôi. Món nào “thơm bơ” thì “buttery”, món nào “đậm vị nghêu” thì “clammy”, món nào “sực nức mùi hành” thì “onion-y.” Thỏa sức “sáng tạo” từ vựng theo cảm nhận của bạn nhé! Sau đây là một danh sách kha khá dài:
-
Dành cho người ăn chay (vegan/ vegetarian). Những bạn nào hâm mộ món nấm sẽ biết rằng, nhiều loại nấm có “mùi đất” rất đặc trưng, gọi là “earthy/ peaty”. Nếu mùi nghe ẩm ẩm như mùi gỗ thì gọi là “woody”. Mùi vị bùi bùi như ăn hạt óc chó (walnut) thì gọi là “nutty”. Mùi của cam, chanh, tắc gọi chung là “citrus-y”. Mùi của bông hoa rau củ quả các loại có thể gọi là “vegetal/ floral/ herbal/ herbaceous.”
-
Nói một chút về vegan và vegetarian. “Vegetarianism” là một từ gọi chung (catch-all term) cho những người kiêng ăn thịt, và có nhiều trường phái khác nhau. “Veganism” là một trường phái ăn chay đặc biệt thuộc “vegetarianism”. Người vegan thì hẳn là vegetarian, nhưng người vegetarian chưa chắc đã là vegan. Vegan là những người kiêng tất cả mọi sản phẩm có dính líu, dù chỉ một chút, tới động vật. Như vậy, trứng, mật ong, và thậm chí các sản phẩm từ sữa đều “out of the question for vegans”.
-
Dành cho người hâm mộ thịt (meat lover). Từ “meaty/ meat-forward” (đậm vị thịt) các bạn đã gặp ở phần trước rồi. Ngoài ra, bạn nào hâm mộ món ba-rọi xông khói (bacon) sẽ nhận ra mùi khói – “smoky” đặc trưng này. Thường thì người ta dùng gỗ sồi (oak), gỗ phong (maple), gỗ cây óc chó (hickory/ walnut), và mùi mạnh nhất là gỗ cây mesquite. Có hẳn một thị trấn ở Texas tên là Mesquite! (Texas nổi tiếng có mấy thị trấn tên khá là trời ơi. Có hẳn Paris, Texas nữa cơ.) Những món này, ngửi mùi thôi đã thấy no bụng ngay – ta gọi là “hearty.”
-
Nói một chút về cách mô tả độ nặng nhẹ của hương, mùi. Cái này bạn nào thích uống rượu vang, hút xì gà hoặc dùng nước hoa chắc sẽ thích. Nếu như hương vị nhẹ nhàng thì gọi là “light”, nếu mạnh sộc vào mũi người thưởng thức thì gọi “full-bodied.” Mùi “sạch sẽ”, đơn nốt thì gọi là “clean”, các mùi vị chồng chéo lên nhau thì gọi là “has a complex profile.” Cái vị đọng (linger) lại sau rốt, sau khi vang đã chui tọt vào trong bụng rồi thì gọi là “finish” hoặc “aftertaste.” Hương nào mạnh quá, át mất các hương khác thì gọi là “overpower”. Món ăn mà quá nhàm chán (boring) thì gọi là vô vị - “bland/ flavorless.”
Ảnh: Fine Dining Lovers
3. Nguồn học vocabulary chủ đề cuisine
Muốn học thêm nhiều nữa về chủ đề này thì học ở đâu nhỉ? Đây là cách mình học từ vựng và luyện nghe đó: xem show nấu ăn. Dưới đây là tên các show mình hay xem nhất:
Binging with Babish - Chuyên nấu các món thấy trên phim ảnh. Quay đẹp, kỹ năng tiến bộ theo thời gian. Rất chăm up bài!
SORTEDFood - 4 tay người Anh, trong đó có 2 đầu bếp. Chuyên cà khịa lẫn nhau.
Bon appetit - Nguyên 1 cái bếp công nghiệp, toàn đầu bếp xịn mỗi người mỗi vẻ 10 phân vẹn 10. Series của Brad là chất nhất.
You Suck At Cooking - Nấu ăn, nhưng ở 1 chiều không gian khác.
American master chef - Giọng Mỹ cực hay, nhiều từ vựng mô tả món ăn