Giám khảo IELTS là người đứng giữa bạn và điểm IELTS của bạn, liệu bạn có được đi học trường quốc tế đó không, có nhận được học bổng khủng đó không, giám khảo của bạn sẽ là người "quyết định" cho bạn. Khi ngồi trước những vị giám khảo này, bạn hoàn toàn run rẩy và lo lắng vì họ có thể tìm ra điểm yếu trong vốn tiếng Anh của bạn. Vậy có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi về những gì họ thực sự nghĩ và làm thế nào để bạn có thể ghi điểm trong mắt họ? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn những điều này.
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những giám khảo IELTS thường rất tốt bụng. Hầu hết họ là cựu giáo viên tiếng Anh hoặc đang dạy tiếng Anh, vì vậy họ có thể đồng cảm và thấu hiểu với những khó khăn mà người học tiếng Anh gặp phải. Ngoài ra, họ cũng sẽ không thể là một giáo viên tốt và một giám khảo IELTS tốt nếu họ không có những kĩ năng cần thiết để giao tiếp một cách hiệu quả với học sinh, trong những hoàn cảnh căng thẳng như trong phòng thi IELTS, họ sẽ biết cách giúp học sinh giải tỏa bớt áp lực và lo lắng. Có một sự thật là không có quá nhiều bí mật trong IELTS vì các tiêu chí chấm điểm hay các tip để đạt các band điểm thường được chia sẻ vô cùng rộng rãi trên mạng, bất kì ai cũng có thể tìm thấy. Nhưng dưới đây sẽ là 4 bí mật của giám khảo IELTS mà họ cũng rất muốn bạn biết đó.
1. Giám khảo IELTS muốn bạn đạt được điểm cao
Điều quan trọng nhất bạn cần phải biết là giám khảo luôn muốn bạn thể hiện bản thân một cách tốt nhất trong bài thi IELTS của mình. Họ không ngồi đó để nghe những lỗi sai của bạn hay chờ đợi việc bạn liên tục lúng túng, lo lắng. Họ luôn muốn tìm cách giúp nâng điểm cho bạn chứ không hề muốn hạ điểm của bạn. Vậy nên trước khi đi thi IELTS, bạn hãy đọc thật kĩ nhưng tiêu chí chấm điểm, những điều mà thí sinh có thể và không thể làm. Từ đó thể hiện hết khả năng của bản thân, khoe những gì bạn có thể làm được để giám khảo có thể dễ dàng cho bạn điểm tốt.
2. Trong bài thi IELTS Writing, tránh viết mở bài rườm rà và đi thẳng vào vấn đề chính
Có một điều mà các giám khảo IELTS rất không hài lòng là những bài viết với mở bài dài dòng cùng các câu văn rườm rà mà không đi thẳng vào bất kì vấn đề nào cả. Nhiều khi điều đó chỉ chứng minh một cách rõ ràng rằng thí sinh đang cố gắn viết đủ số từ tối thiểu với những cụm từ mà mình nhớ được. Vì vậy việc paraphrase lại đề bài và đi vào vấn đề chính sẽ gây ấn tượng tốt hơn, một mở bài tốt là rõ ràng và có thể trình bày được khái quát những gì mà thân bài bạn sắp nói tới. Điều này sẽ giúp giám khảo “đỡ vất vả” hơn rất nhiều.
3. Bài thi Speaking part 1 không thực sự tác động đến điểm thi của bạn
Ở Part 1 của bài thi IETLS Speaking, bài thi được đưa ra với 2 mục tiêu chính: giúp bạn cảm thấy thoải mái trước khi bước vào các bài thi “khó nhằn” tiếp theo và giúp giám khảo có thể đánh giá khả năng tiếng Anh của bạn một cách khái quát để không hỏi bạn những câu quá khó so với trình độ của bạn ở các phần tiếp theo. Vì vậy, hãy trả lời thật tự nhiên ở Part 1 và chưa có gì phải căng thẳng ở đây cả, điểm thi chưa thực sự được đánh giá.
4. Đừng hoảng loạn khi nhận một đề Speaking lạ lẫm
Một trong những điều chính mà giám khảo muốn hướng đến trong Part 3 của bài thi IELTS Speaking là kiểm tra xem liệu thí sinh có thể nói được về những chủ đề lạ không? Nếu như phản ứng ban đầu của bạn là căng thẳng, sợ hãi hay ngồi “đơ” ra, đó sẽ là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn không hề sẵn sàng để trả lời những câu hỏi này. Vì vậy hãy luyện tập để trả lời một cách bình tĩnh trước bất kì chủ đề nào, từ chủ đề không gian, người ngoài hành tinh đến quyền động vật hay bất kì chủ đề nào đó mà bạn chẳng bao giờ nói ngoài đời. Cứ tiếp tục nói, cười và phản ứng thật nhanh bằng 1 số câu như “Well, that’t not something i usually think about but...” (Đây là một chủ đề tôi không thường nghĩ đến nhưng...) Ai cũng sẽ ít khi nghĩ đến những chủ đề lạ, cái chính ở đây là giám khảo chỉ muốn kiểm tra phản ứng của bạn mà thôi.
Trên đây là những điều mà giám khảo IELTS luôn mong muốn các thí sinh thấu hiểu, hãy luyện tập thật tốt và đừng quá căng thẳng về bài thi IELTS bạn nhé.