Để trẻ con có thể học ngôn ngữ mẹ đẻ, kỹ năng đầu tiên chúng phải học là nghe. Tương tự, với người lớn, khi chúng ta bắt đầu học ngôn ngữ thứ 2, để sớm thành thạo, không có cách nào khác ngoài luyện tập nghe nhiều. Tuy nhiên, nghe thế nào cho hiệu quả thì lại là một câu chuyện dài bởi việc luyện nghe IELTS cho người mới bắt đầu quả là một thử thách lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ cần bạn có quyết tâm và vạch ra kế hoạch học tập đúng đắn thì đây là kỹ năng dễ được điểm cao nhất trong bài thi IELTS. Bài viết này phân tích các lỗi cơ bản của việc bạn không nghe được tiếng Anh và chia sẻ với các bạn 3 phương pháp lên band Listening nhanh nhất dành cho các bạn đang luyện thi IELTS, đặc biệt là những bạn mới bắt đầu chinh phục IELTS và chưa có nền tảng cũng như định hướng rõ ràng.
Với những người mới bắt đầu, lời khuyên dành cho bạn là không nên tự học mà hãy học ở trên lớp. Học trên lớp sẽ có các thầy cô định hướng cho bạn cách học đúng đắn, tiết kiệm thời gian nhất. Bạn cũng không nên đăng ký học IELTS ngay, hãy đăng ký một khóa ngữ pháp hoặc ngữ âm cơ bản. Bởi vì nếu ngữ pháp và phát âm của bạn chưa chuẩn, bạn sẽ không thể nào nghe chuẩn được.
Câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời, tại sao chúng ta nghe mà không hiểu? Một số lý do cơ bản cho việc band Listening IELTS của bạn còn thấp bao gồm:
1. Thiếu từ vựng:
Khi vốn từ vựng của bạn còn hạn chế, bạn sẽ không nghe hiểu hết được đề thi Listening IELTS, mà bạn chỉ nghe được một phần nhỏ và hình thành thói quen bắt Keywords. Đây là thói quen không tốt trong Listening bởi chúng ta cần phải hiểu toàn bộ đoạn hội thoại đưa ra chứ không chỉ là những từ khóa chính. Việc học từ vựng rất quan trọng để chúng ta nghe được liền mạch, và biết được càng nhiều từ mới sẽ giúp chúng ta làm Section 4 dễ dàng hơn.
2. Khả năng phát âm còn hạn chế:
Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc nghe tiếng Anh của chúng ta khó khăn đó là phát âm chưa chuẩn. Nếu bạn biết từ nhưng bạn phát âm chưa chuẩn, trong bài thi IELTS có nhắc đến từ đó thì bạn cũng không nhận ra được. Việc cải thiện khả năng phát âm không phải vấn đề đơn giản, ngày một ngày hai có thể làm được.
3. Không thường xuyên nghe tiếng Anh:
Với môn Toán, nếu không thường xuyên ôn lại công thức thì bạn sẽ rất dễ quên cách làm. Với môn Văn, nếu bạn không viết thường xuyên thì rất dễ bị mất đi cảm xúc khi viết. Tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn không nghe thường xuyên thì sẽ rất khó khăn cho bạn trong việc rèn luyện kĩ năng nghe. Hôm nay bạn nghe 1 tiếng, ngày hôm sau lười quá nghe 5 phút, mấy ngày sau nữa thì bỏ luôn vì thấy mệt. Với cách nghe đó, bạn sẽ không bao giờ tiến bộ được. Việc nghe liên tục từ ngày này sang ngày khác sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Bạn được học từ mới cùng cách phát âm, trọng âm chính xác, các kiểu câu phổ biến, ngữ điệu,...
4. Tốc độ nghe không đúng với bài thi:
Nếu bạn quen luyện tập nghe với tốc độ chậm hơn bài thi IELTS, bạn sẽ dễ bị nghe sót từ, nghe không kịp. Nhiều khi mình biết và phát âm chuẩn từ đó nhưng khi nghe vẫn không nghe được vì họ nói nhanh, nói nối âm. Chúng ta cần phải cải thiện tốc độ nghe và nói của bản thân để bắt kịp và hiểu những gì người khác nói. Bạn có thể điều chỉnh, tăng dần dần tốc độ nghe tiếng Anh mỗi ngày. Cách hiệu quả nhất đó chính là xem phim có phụ đề và nghe nhạc có tiết tấu nhanh như nhạc rap.
Cách giải quyết những vấn đề này là: mở rộng vốn từ vựng, trau dồi khả năng phát âm và cải thiện tốc độ nghe của bản thân.
Khi đã có vốn từ và khả năng phát âm ở mức độ khá, hãy chuyển sang với tốc độ nghe. Ngày nay chúng ta có rất nhiều phương tiện để giải quyết vấn đề này, và một trong những công cụ hiệu quả không gì khác ngoài Youtube. Thử tưởng tượng rằng, nếu bạn có khả năng nghe hiểu gấp đôi tốc độ băng, bài thi IELTS sẽ trở nên ngớ ngẩn đến thế nào?
Hãy bắt đầu nghe các vlogs Tiếng Việt ở tốc độ 2x, để não và tai làm quen với kiểu nghe mới này. Chỉ sau khoảng 30 phút, bạn sẽ thấy nghe 2x cũng bình thường, và khi quay trở lại 1x, mọi thứ thật chậm rãi đến mức lố bịch. Sau đó, hãy quay sang các videos Tiếng Anh. Mục tiêu là nếu có khả năng nghe 2x các vlogs của người bản xứ, không có lý nào bạn sẽ không hiểu section 3 và section 4 của IELTS.
Để làm được việc này, hãy từ từ tăng dần từ Normal, lên 1.5, 1.75 và cuối cùng là 2x. Kênh đầu tiên bạn có thể tham khảo là Nas Daily với các video ngắn, chủ đề du lịch ai cũng thích, và đặc biệt là luôn có phụ đề. Sau khi làm chủ được ở mức độ 2x, hãy chuyển sang nghe 1.5x với TED, chủ đề và ngôn ngữ hàn lâm hơn. Bắt đầu với có phụ đề rồi dần dần khi đã tích lũy được một số lượng từ vựng kha khá, hãy bỏ phụ đề đi và chạm dần đến mốc 2x.
Quá trình này không dễ cũng không ngắn, đặc biệt với người bắt đầu, nhưng khi đã quen, IELTS Listening sẽ không còn là thứ gì đó quá đáng sợ. Và bạn cũng tiết kiệm được ½ thời gian cá nhân dành cho Youtube, mạng xã hội mà đại đa số chúng ta dành rât nhiều thời gian hàng ngày để tiêu thụ nội dung.
Để quá trình tăng tốc độ nghe được dễ dàng hơn, có một vài phương pháp bạn có thể tham khảo để luyện tập hàng ngày. Nếu thành thạo những phương pháp này, chắc chắn band Listening của bạn sẽ cải thiện.
1. Shadowing
Có rất nhiều bài báo khoa học chứng minh Shadowing, hay phương pháp nói nhại, giúp cải thiện kỹ năng nghe một cách đáng kể. Lên Youtube hay Google, bạn cũng sẽ tìm ra một núi các videos và bài viết nói về phương pháp này. Bên cạnh nghe, khả năng phát âm của bạn cũng sẽ được cải thiện rõ rệt vì bạn đang nhại lại người bản xứ, từ âm điệu, quãng nghỉ, nhấn nhá tới tông giọng.
Lưu ý: Shadowing khác với Repeating. Shadowing yêu cầu người nghe nhại lại người nói chỉ sau một khoảng thời gian không đáng kể trong khi băng vẫn đang tiếp tục chạy. Đối với repeating, bạn được quyền dừng băng và nói lại theo những gì mình nghe được.
Chính việc này khiến Shadowing trở nên cực kỳ khó khi mà trong lúc mồm nói thì tai vẫn phải chăm chú nghe, và để dễ dàng hơn cho người học, mình gợi ý các bạn hãy học theo phương pháp post-shadowing như sau.
Học liệu: một đoạn video ngắn 1 - 3 phút của người bản xứ mà bạn muốn nói được giống như họ, có kèm script đã được in sẵn.
Bước 1: Nghe chay, không cần hiểu.
Bước 2: Đọc hiểu script, lưu ý hiểu nghĩa từ mới và phát âm của chúng.
Bước 3: Bật băng, lẩm nhẩm những âm nghe thấy trong băng x 2 lần.
Bước 4: Đọc script và đồng thời nhại lại theo băng.
Bước 5: Bỏ script và nhại lại theo băng x 3 lần.
Vì khối lượng công việc lớn nên shadowing trở thành một phương pháp học rất rất rất nặng yêu cầu sự kiên trì cũng như khả năng tập trung cao độ. Do đó, mỗi ngày bạn chỉ nên shadowing 15 - 20 phút với một đoạn video từ 1 - 3 phút, tránh nản chí và bị nhàm chán. Đồng thời, trong một tuần, nên chọn các video có cùng chủ đề để có thể tăng vốn từ vựng.
Với IELTS, shadowing chuyên sử dụng để giải quyết những câu hỏi có khối lượng thông tin lớn được truyền tải trong thời gian ngắn, ví dụ như nghe tên, số và chỉ đường.
2. Dictation
Đây là phương pháp nghe chép chính tả. Quá quen thuộc, quá dễ làm theo, phương pháp này đã được chia sẻ rất nhiều ở khắp mọi nơi.
Với mình, nghe chép là một bậc cao hơn của shadowing. Nếu bạn đã có khả năng shadowing tốt, không có lý nào bạn thấy dictation trở nên khó khăn cả. Suy cho cùng, Shadowing là từ tai xuống miệng, còn Dictation là từ tai xuống miệng và xuống tay. Khi đã quen, bạn có thể bỏ qua bước Shadowing trung gian.
Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho Dictation là website englishld.com. Các bài nghe được chia theo từng level, giao diện dễ sử dụng kèm với hệ thống tracking khoa học sẽ giúp bạn hiểu rõ tiến trình học tập cũng như lượng từ vựng của bản thân.
Dictation là bước trung gian giúp bạn nghe hiểu dễ dàng hơn, và sẵn sàng cho kỹ năng tiên quyết của IELTS dưới đây.
3. Note taking
Nếu shadowing là từ tai xuống miệng, dictation là từ tai xuống tay, thì note taking sẽ là từ tai, lên não và xuống tay.
Khả năng take note là cực kỳ quan trọng với bài thi TOEFL và IELTS, đảm bảo cho người nghe không bị lừa ở dạng bài multiple choices ác mộng. Đồng thời, take note là yêu cầu bắt buộc nếu bạn muốn học đại học hoặc đi làm. Vậy chẳng có lý gì mà chúng ta không trau dồi kỹ năng này cả.
Mục đích của việc take note là lưu lại những ý chính trong bài với tốc độ càng nhanh càng tốt. Nếu chưa quen, bạn có thể bắt đầu take note với những đoạn video tiếng Việt để não làm quen dần. Một vài lưu ý khi take note như sau:
- Đừng viết tất cả mọi thứ, hãy tập trung vào những loại từ chứa ý chính của câu, bao gồm danh từ, động từ, tính từ. Nếu gặp khó khăn trong giai đoạn đầu, hãy chỉ note lại danh từ.
- Take note là một quá trình mang tính cá nhân hóa. Bạn sẽ không hiểu note của người khác và ngược lại. Hãy take note theo cách bạn cảm thấy quen thuộc nhất, một trong số đó là sử dụng tiếng mẹ đẻ.
- Tận dụng tối đa các biểu tượng, ký hiệu, viết tắt để vừa nghe, vừa note mà không bị bỏ lỡ thông tin trong bài. Hãy dành thời gian để tạo ra ký hiệu cho riêng mình và luyện tập chúng để trở thành thói quen khi take note, đảm bảo tốc độ tối ưu trong quá trình nghe.
Vậy là xong! Chỉ cần làm theo các bước trên kết hợp với kiên trì, Langgo tin rằng band Listening của các bạn sẽ được cải thiện. Chúc các bạn thành công!
(Nguồn: Group IELTS Thực chiến)