1. LỜI GIỚI THIỆU
Như chúng ta đã biết, hiện tại tiếng Anh là một trong số những ngôn ngữ chiếm “thế thượng phong” trong thị trường Việt Nam, đặc biệt là IELTS.
15 năm về trước khi nhắc về IELTS thì chứng chỉ tiếng Anh này chỉ có thể phổ biến trong hội học sinh du học, còn lại thì ít ai quan tâm tới nó.
Tuy nhiên, với thời buổi kinh tế hội nhập, tiếng Anh ngày càng trở nên phổ biến hơn và chứng chỉ này gần như là điều kiện cần cho những ai muốn gia nhập vào thị trường lao động nước ngoài hoặc đơn giản là để đi xin việc dễ hơn.
Thử tưởng tượng nếu bạn chỉ có tấm bằng cử nhân loại giỏi với một đứa với tấm bằng loại khá nhưng nó lại giỏi tiếng Anh thì bạn sẽ “khóc ròng”, đập đầu vô tường vì ước gì mình chăm chỉ học tiếng Anh sớm hơn.
Và rồi, cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp của bạn cũng sẽ chững lại nếu bạn không giỏi ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.
Chính bởi vì độ “hot” của tiếng Anh, nên hiện tại chứng chỉ IELTS được “săn đón” như một chứng chỉ hoàn hảo để chứng minh độ “xịn” của một công dân toàn cầu. Do đó, các group tự học IELTS, các trung tâm tiếng Anh hay cả những kênh học dạy học “mọc lên như nấm”.
Mặc dù công cụ hỗ trợ học tiếng Anh phủ sóng trên mạng Internet, nhưng để giỏi thực sự tiếng Anh thì còn phụ thuộc vào độ chăm chỉ của mỗi cá nhân.
2. ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI
Vậy làm sao vừa có thể học tiếng Anh mà vẫn có thể chơi? Hay lười mà vẫn giỏi tiếng Anh? Tất cả những giả thuyết được đưa ra là bạn chỉ cần 15-30’/ngày thì rồi đến một ngày nào đó bạn sẽ giỏi. Vậy liệu lười có giỏi được tiếng Anh không?
Câu trả lời là không. Không ai lười mà có thể giỏi được bởi đơn giản để bạn đạt được trình độ mà bạn mong muốn bạn phải cần đủ thời gian để thực sự giỏi theo đúng nghĩa đen.
Cụ thể, theo khung trình độ chung Châu Âu (CEFR) (Viết tắt của Common European Framework for Reference), được phát triển bởi Hội đồng Châu Âu mô tả năng lực của người học tiếng Anh thành 6 trình độ và số giờ bạn cần phải đầu tư để đạt tới trình độ mà bạn mong muốn:
A1: Căn bản (Tốt nghiệp cấp I) (0h-100h)
A2: Sơ cấp (Tốt nghiệp cấp II) (100h-200h)
B1: Trung cấp (Tốt nghiệp cấp III và tốt nghiệp đại học không chuyên ngữ) (200h-400h)
B2: Trung cao cấp (Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngữ) (400h-800h)
C1: Cao cấp (Tốt nghiệp đại học chuyên ngữ) (800h-1000h)
C2: Thành thạo (1100h-1200h)
Vậy thông qua sự đánh giá và nghiên cứu kĩ lưỡng của hội đồng châu Âu – nơi mà tiếng Anh được sinh ra, bạn có thể thấy rằng để giỏi được ngôn ngữ này cần thời gian tính bằng tháng nếu nhanh hoặc nếu không phải tính bằng năm.
Nếu bây giờ chúng ta vẫn còn mong muốn lười mà giỏi tiếng Anh thì điều này chỉ đang “ru ngủ” bạn để bạn nghĩ rằng chúng ta còn trẻ và còn nhiều thời gian.
Tuy nhiên, nếu bạn có con nhỏ tầm 2 tuổi thì con bạn bắt đầu học tiếng Anh cho đến khi con bạn học cấp 3 thì việc giỏi tiếng Anh là một chuyện hết sức bình thường.
Còn nếu bạn là sinh viên chỉ được phép giỏi tiếng Anh trong vòng 4 năm đại học hoặc thậm chí bạn là người đã đi làm thì việc giỏi tiếng Anh trong một thời gian ngắn thực sự là một áp lực.
Biết là vậy nhưng xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau, chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh rằng chúng ta không đủ điều kiện tốt để tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm. Nhưng âu thì cũng có cách giải quyết.
Có nhiều người hỏi mình rằng “một ngày em học từ 15-30’ thì bao giờ em giỏi tiếng Anh”, tôi chỉ cười và nói rằng “Nếu em vẫn hỏi khi nào em mới giỏi tiếng Anh thì không bao giờ em giỏi được”.
Tôi biết rằng quá trình học tiếng Anh là một quá trình vất vả và cô độc, đặc biệt nếu bạn là người mới bắt đầu học tiếng Anh thì áp lực càng lớn vì bạn phải học lại từ đầu những hệ thống liên quan tới ngữ pháp, phát âm, từ vựng căn bản,… vv Còn từ trình độ B2+ thì bạn có thể tự học tiếng Anh để đạt đến ngưỡng C1 hoặc C2.
3. LỜI KẾT
Qua đó, rút ra được rằng lười sẽ không bao giờ giúp các bạn giỏi bất cứ thứ gì chứ chưa cần nói gì tới tiếng Anh. Học ngôn ngữ vất vả hơn các bạn tưởng rất nhiều đặc biệt hơn nữa đây không phải tiếng mẹ đẻ của bạn, nên việc tiếp xúc và làm quen ở những thời gian đầu có thể sẽ khiến bạn rơi vào khủng hoảng.
Dẫu vậy nếu các bạn đủ chăm chỉ với phương pháp học tập thông minh mà đã được rút ra từ những người đi trước thì tôi tin rằng một ngày nào đó bạn sẽ thực sự giỏi thứ ngôn ngữ này.
Đối với tôi 15-30’/ngày là sự đầu tư quá ít ỏi, ít nhất phải từ 2-3 tiếng còn bằng không thì rất có thể bạn phải mất tới 10-20 năm cuộc đời để thực sự giỏi nó, nhưng với điều kiện ngày nào cũng phải học từ 15-30’.
Nếu các bạn được học tiếng Anh từ nhỏ thì 10-20 năm có lẽ là khoảng thời gian vừa phải, nhưng nếu các bạn đã bước vào ngưỡng tuổi trưởng thành thì bạn phải đối mặt với sự thật rằng bạn không có quá nhiều thời gian để có thể học dông dài như vậy.
Chốt lại, dành càng nhiều thời gian cho tiếng Anh bạn càng cảm thấy sao thời gian quá ít. Tuy nhiên, hành trình vạn dặm xuất phát từ những bước chân, vậy nên hãy cố gắng tích đủ lượng để đẩy ra chất.
Không có con đường tắt để học tiếng Anh, vậy nên chúng ta thay vì tự huyễn hoặc bản thân rằng không cần học quá nhiều mà vẫn giỏi thì các bạn nên cho mình một thời gian biểu hợp lí để có thể học được càng nhiều càng tốt. Good luck!!!