Bạn thấy lúng túng trong việc sắp xếp thời gian học cho từng kỹ năng khi tự luyện thi IELTS tại nhà? Bạn muốn biết cách để sử dụng thời gian hiệu quả nhất? Bạn không biết nên dành nhiều thời gian cho kỹ năng mình mạnh hay tập trung cho điểm yếu của bản thân để tăng band điểm? Không có cô giáo hướng dẫn thấy sao khó quá. Bạn đang tìm đúng bài viết rồi đấy. Danh sách 5 lời khuyên sau của cô sẽ giúp các bạn có quyết định thông minh và tối đa hiệu quả sử dụng thời gian ôn thi quý báu của mình!
Vậy việc có một kế hoạch học tập có thực sự quan trọng? Bạn hãy tưởng tượng khi đánh trận, bạn không có chiến lược cụ thể thì bạn sẽ chỉ đơn giản thấy địch đâu là lao vào đánh. Tốn lực, tốn thời gian mà kết quả không như mong muốn. Dưới đây là một số quy tắc về việc lập kế hoạch học tập hiệu quả để bạn có thể “bách chiến bách thắng”.
QUY TẮC 1: XÁC ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ NHỮNG NGUỒN LỰC MÌNH ĐANG SỞ HỮU
Một vị tướng giỏi luôn biết xác định và đánh giá sức mạnh binh đoàn của mình trước khi đưa ra các chiến lược cụ thể. Bạn có thể xác định và đánh giá các nguồn lực của mình không?
Sức khỏe thể chất và tinh thần
Kiến thức hiện tại
Khả năng tiếp thu
Thời gian
…
Đâu là điểm mạnh / điểm yếu? Làm sao để phát huy điểm mạnh và trung hòa điểm yếu?
Bạn có bao nhiêu thời gian để ôn tập? Nếu có quá ít thời gian thì cần giảm bớt thời gian ở các hoạt động khác như thế nào?
Sức khỏe thể chất và tinh thần cho phép bạn học với cường độ như thế nào (không phải học càng trâu thì kết quả sẽ tốt đâu nhé)? Nếu sức khỏe thể chất và tinh thần không tốt thì cần tăng cường như thế nào?
Nếu khó nghĩ bạn hoàn toàn có thể vẽ ra sơ đồ và ghi lại những đánh giá trên.
Theo kinh nghiệm ôn thi và giảng dạy của cô thì các bạn nên tập trung vào điểm mạnh bản thân và tiếp tục luyện thi với điểm yếu, đừng bỏ bê nó. Tại sao? Điểm mạnh là lợi thế giúp tăng band điểm, kéo các band khác lên. Điểm yếu sẽ khiến bảng điểm chung của các bạn xấu đi khi đi du học/ xin việc. Hơn nữa, việc đi thi IELTS không chỉ là để có chứng chỉ điểm cao mà chỉ là một kỳ thi giúp đánh giá năng lực ngôn ngữ của chúng mình thôi. Điều còn lại sau cùng không phải chứng chỉ mà là kỹ năng của bản thân trong việc dùng tiếng Anh để học tập, nghiên cứu hay làm việc. Hãy học tiếng Anh và ôn thi IELTS như chính cái mục đích cuối cùng em muốn hướng tới.
QUY TẮC 2: MỤC TIÊU NÀY CÓ CAO QUÁ KHÔNG?
Việc xác định không chính các bước mục tiêu là sai lầm phổ biến khi nhiều người lên kế hoạch học tập do họ thường coi nhẹ quy tắc 1 hoặc chỉ đánh giá nguồn lực một cách qua loa. Hệ lụy bao gồm: Kết quả không tốt -> chán học -> không đạt mục tiêu đề ra ban đầu. Với quy tắc này, tốt nhất bạn hãy nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn để có được cái nhìn tốt nhất về hoàn cảnh hiện tại để đặt ra mục tiêu 1 cách chính xác.
Cách đặt mục tiêu như thế nào? Mời các bạn xem bài này của cô: https://langgo.edu.vn/phuong-phap-hoc-ielts-cho-nguoi-moi-bat-dau
Ví dụ bạn đang ở trình độ 4.0 và bạn muốn được 7.0 trong vòng 6 tháng. Sẽ rất sai lầm nếu bạn chia đều thời gian học ra như cứ 2 tháng tăng 1 band điểm. Mỗi Band điểm lại yêu cầu một bậc kiến thức khác nhau và đòi hỏi người học sử dụng, kết hợp nhiều nguồn lực để có thể vượt qua (mỗi người sẽ có 1 khung thời gian khác nhau). Việc xác định và đánh giá chính xác nguồn lực của mình kết hợp với việc tham khảo ý kiến chuyên gia về việc xác định mục tiêu sẽ giúp bạn đưa ra một kế hoạch chính xác hơn. Các bạn có thể tham khảo khung thời gian học được khuyến nghị bởi tổ chức quốc tế về việc tăng từng band điểm ra sao tại đây:
https://langgo.edu.vn/lo-trinh-tu-hoc-va-luyen-thi-ielts-cho-nguoi-moi-bat-dau-day-du-chi-tiet-nhat
QUY TẮC 3: NGHỈ MẤY NGÀY 1 TUẦN LÀ ĐỦ?
Như đã nói ở trước, không phải cứ cày thật trâu là trình độ sẽ tăng. Bộ não và cơ thể cần được nghỉ ngơi để hấp thụ kiến thức cũng như tiếp đủ năng lượng để có thể tiếp thu được kiến thức mới.
Bạn hãy xác định thời gian mình có để chuẩn bị cho bài thi để phân bổ thời gian hợp lý để nghỉ ngơi. Nếu bạn đang cần thi gấp, 1 ngày nghỉ ngơi/tuần có thể giúp bạn học tập hiệu quả hơn trong suốt 6 ngày còn lại. Còn nếu bạn không thi gấp, 2 ngày nghỉ ngơi/tuần là con số lý tưởng để bộ não và cơ thể trở về điều kiện tốt nhất cho 5 ngày học tập hiệu quả. Tất nhiên, một số người hoàn toàn có thể dành 3 hoặc thậm chí là 4 ngày nghỉ ngơi mà kết quả học tập vẫn rất cao.
Tâm lý bồn chồn trong lúc ôn luyện là điều rất bình thường. Nhưng trước khi học kiến thức để phát triển trình độ, bạn cần học cách thả lỏng, học cách nghỉ ngơi. Hãy nhớ rằng một bộ óc minh mẫn và một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả học tập gấp đôi.
QUY TẮC 4: MỖI KỸ NĂNG 1 NGÀY HAY 1 NGÀY NHIỀU KỸ NĂNG?
Bạn đã bao giờ viết luận mỗi ngày 1 bài để rồi sau 1 tháng bạn cảm thấy mệt mỏi chán chường và điểm vẫn giậm chân tại chỗ? Đó là hệ quả của việc bạn không hiểu rõ tính chất của kỹ năng viết.
Dưới đây là một số hướng dẫn chung để bạn có thể phân bổ lại thời gian cho từng kỹ năng một cách hiệu quả:
=> Kỹ năng Viết: Trước khi đặt bút viết một cuốn tiểu thuyết, một nhà văn trung bình cần đọc 100 cuốn sách khác nhau để có thể tìm kiếm ý tưởng và học hỏi phong cách diễn đạt của những nhà văn khác chứ họ không cắm đầu vào viết ngay từ đầu. Quay trở lại với việc học Viết IELTS, các bạn muốn viết được một bài luận tốt thì cần đọc rất nhiều để tìm kiếm ý tưởng cũng như học cách sử dụng từ hay cấu trúc câu hiệu quả. Bạn có thể dành ra 5 – 6 ngày để đọc các bài viết liên quan và dành cả ngày để viết và chỉnh sửa bài của mình để tạo ra một bài luận với chất lượng tốt nhất. Đây là học có đầu tư! Chắc chắn bạn sẽ tạo ra được lợi nhuận! Việc bạn viết 1 ngày 1 bài là một hành động học không có đầu tư, bạn đang chỉ dùng những gì bạn biết chứ không chịu mở mang kiến thức hay từ vựng thì làm sao bạn có thể tiến bộ được. Bạn chỉ cần viết được 1 bài band 6.0 trong 1 tuần thì giá trị bạn nhận được sẽ nhiều hơn 7 bài band 5.5 viết trong cùng thời gian đó.
=> Kỹ năng Nói: Kỹ năng Nói khác với kỹ năng Viết ở nhiều khía cạnh khác nhau (từ vựng, ngữ pháp, văn phong v.v…) nhưng điểm cơ bản nhất đó là khía cạnh phát âm. Các âm trong tiếng Anh rất khác so với các âm tiếng Việt. Bạn đã quá quen với cách phát âm tiếng Việt rồi nên rất khó để phát âm chuẩn tiếng Anh được. Chính vì vậy bạn nên luyện tập Nói HÀNG NGÀY để có thể phát âm quen các âm/từ/cụm từ trong tiếng Anh và để đạt được độ trôi chảy nhất định. Mỗi ngày ít nhiều bạn cũng nên dành ra 30p – 60p để luyện nói tiếng Anh. Hãy thử trong một tháng chắc chắn bạn sẽ thấy sự khác biệt.
=> Kỹ năng Nghe & Đọc: 2 kỹ năng này chính là nhiên liệu đầu vào thiết yếu cho kỹ năng Viết và Nói. Nếu bạn không hấp thụ ngôn ngữ qua việc nghe và đọc thì bạn sẽ không có nhiên liệu để Viết và Nói! Chính vì vậy, bạn cần bổ sung nhiên liệu một cách thường xuyên. Ngày nào cũng nên luyện nghe và đọc. Thêm nữa, các nghiên cứu ngành ngôn ngữ học đều chỉ ra đây là 2 kỹ năng khó để luyện lên nhất (nếu bạn còn đang mới học) chứ không phải như mọi người nghĩ đây là 2 kỹ năng dễ. Việc dành nhiều thời gian cho 2 kỹ năng này là điều hoàn toàn hợp lý!
Tổng kết: Kỹ năng Nghe + Đọc + Nói nên ngày nào cũng luyện (nhiều ít là tùy vào nguồn lực của bạn), kỹ năng Viết là kỹ năng nên có sự đầu tư lớn nên bạn cần cân nhắc kỹ về thời gian bạn cần để nạp kiến thức và thời gian bạn dành ra để viết bài (1 tuần chỉ cần viết 1-2 bài và dành thời gian còn lại để đọc cũng như chỉnh sửa bài làm)
QUY TẮC 5: LÀM SAO ĐÂY KHI ĐANG ÔN THI THÌ NẢN?
Ban đầu không thể phủ nhận tầm quan trọng của động lực. Tìm ra nguồn động lực và duy trì động lực học là điều vô cùng quan trọng trong suốt quãng thời gian ôn thi. Động lực không phải là cảm hứng. Bạn có thể tới một buổi hội thảo rất hào hứng khi tham gia và khi ra về nhưng rồi bạn giữ được năng lượng đỉnh cao đó được bao lâu? Ai là người đồng hành với bạn trong suốt thời gian ôn thi IELTS? Là diễn giả hay là chính bạn?
Có rất nhiều người đặt câu hỏi: “Có thể tạo động lực thúc đẩy cho người khác được không?”.
Câu trả lời là: “Không”!
Động lực phải là do mỗi người tìm ra để thúc đẩy chính mình. Điều người khác có thể làm được cho bạn là tạo cảm hứng cho bạn tự thúc đẩy bản thân. Chúng ta có thể xây dựng môi trường tạo động lực cho những người xung quanh mình.
Cảm hứng là suy nghĩ; còn động lực là hành động. Bạn phải biết được nhân tố hình thành động cơ quan trọng nhất của mình là gì? Tiền bạc? Được xã hội công nhận? Cải thiện chất lượng cuộc sống? Được người thân đón nhận?...vv. Tất cả những điều này đều có thể là sức mạnh thúc đẩy con người. Và động lực là điều cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu của việc ôn thi.
Hai kiểu động lực: bên trong và bên ngoài
Động lực bên ngoài: được xuất phát từ ngoại cảnh.
Ví dụ như tiền bạc, được xã hội công nhận, danh tiếng… là nhóm động lực khích lệ; hoặc do sợ hãi (chẳng hạn: sợ bố mẹ thất vọng, sợ bị cấp trên sa thải).
Động lực mang tính khích lệ có tác động lớn nhất ở chỗ hiệu quả của nó rất tốt, miễn là sự khích lệ vẫn còn giá trị mạnh mẽ.
Động lực bên trong: được xuất phát từ nội tâm
Động lực này có từ những nhân tố như lòng tự hào, cảm giác thành công, trách nhiệm và niềm tin. Động lực bên trong là cảm giác thầm hài lòng không phải vì thành công hay chiến thắng, mà vì sự mãn nguyện do đã tới được một tiêu chuẩn đặt ra. Đó là cảm giác đã làm công việc trọn vẹn chứ không phải đơn thuần đạt mục đích nào đó. Khi bạn đạt mục tiêu tầm thường thì sẽ không đem lại cho bạn cảm xúc hài lòng như vậy. Động lực bên trong có ảnh hưởng vững bền vì xuất phát từ nội tâm và biến thành khả năng tự thân vận động. Động lực bên trong là điều quan trọng và bền vững giúp bạn phát triển, thành công.
Hai nhân tổ thúc đẩy động cơ nội tâm quan trọng nhất chính là tinh thần trách nhiệm và được mọi người công nhận.
Được công nhận nghĩa là được trân trọng, đối xử một cách tôn trọng; và bản thân mỗi người cảm thấy gắn bó với mọi người, gắn bó với cộng đồng mình đang sống.
Tinh thần trách nhiệm cũng cho con người cảm giác gắn bó với tập thể và làm chủ. Khi có tinh thần trách nhiệm, bạn sẽ thấy được vai trò của mình trong bối cảnh lớn hơn.
Động lực bên trong có sức ảnh hưởng lan truyền rất lớn. Vì nó hàm chứa thái độ sống của mỗi người. Mà thái độ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hành vi như mong muốn.
động lực làm việc
Điều cần thiết mỗi người phải có chính là động lực tự thân – động lực bên trong. Tức là mỗi người phải làm việc vì chính mình chứ không phải vì người khác. Mỗi người chỉ làm việc tốt nhất khi có lý do riêng chứ không phải do yêu cầu của người khác. Đó mới là động lực bền vững. Động lực lớn nhất chính là niềm tin. Mỗi người cần có niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi hành động và thái độ của mình. Khi biết chịu trách nhiệm, mọi thứ sẽ được cải thiện: chất lượng cuộc sống, năng suất công việc, quan hệ xã hội và nỗ lực tập thể. Một phương pháp quan trọng được rất nhiều người áp dụng để tạo động lực cho bản thân là “tự kỷ ám thị”. Đó là đưa ra những lời nói tích cực và liên tục khẳng định chúng. Chẳng hạn, bạn có thể tự nhủ: “Đó chỉ là khó khăn bước đầu mà thôi”, hay “mỗi ngày mình cảm thấy càng lúc càng tự tin hơn”.
Thế nhưng, ta luôn cần kỷ luật đi kèm nguồn động lực mới có thể tạo ra kết quả. Khi bạn đã lập ra một kế hoạch thì cần có trách nhiệm thực hiện khắt khe kế hoạch đó. Bản thân bạn cần phải có tính kỷ luật rất cao để có thể đạt được mục tiêu mình đề ra. Bạn hãy hà khắc với bản thân trong quá trình luyện tập. Không có thành công nào đến với người không có tính kỷ luật!
Ngoài ra, các bạn có thể xem cách sắp xếp thời gian tự luyện thi IELTS tại đây: https://langgo.edu.vn/cach-sap-xep-thoi-gian-hoc-ielts-tai-nha-tot-nhat-hieu-qua-nhat
Hi vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn có thể lên một kế hoạch học tập phù hợp và hiệu quả nhất.
Nguồn: đội GV chuyên môn ZIM