Chinh phục từ vựng là một thử thách rất lớn trong luyện thi IELTS. Đã bao giờ bạn chỉ có thể khoa tay múa chân, hay khá khẩm hơn là dùng vài từ khóa (keyword) để trả lời người khác bằng tiếng Anh và hy vọng đối phương sẽ hiểu được ý mình? Rõ ràng trong đầu tiếng Việt tuôn như mưa nhưng tới lúc nói thì mãi không “thốt” ra được chữ nào. Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống như vậy chưa? Và bạn có tự hỏi tại sao trường hợp đau thương như vậy lại xảy ra với mình? Câu trả lời 80% là do thiếu từ vựng. Vậy thì “nhồi” từ vựng thôi!
Có nhiều bạn thắc mắc tại sao dù đã biết nghĩa của các từ nhưng vẫn không thể nói, không thể viết ra được. Đó là bởi vì tất cả những thứ bạn biết về từ chỉ là … nghĩa của chúng. Để có thể thêm 1 từ vào từ điển của mình, chỉ biết nghĩa của từ thôi là chưa đủ. Có 5 yếu tố chúng ta cần ghi nhớ để "biết" 1 từ: cách đọc, cách viết, cách sử dụng, họ từ, và đồng nghĩa/trái nghĩa.
Bài viết dưới đây sẽ làm rõ 5 yếu tố đó:
1. CÁCH ĐỌC/PHÁT ÂM
Cũng giống trẻ con tập nói, trước hết phải bập bẹ tập phát âm. Khi tiếp cận 1 từ tiếng Anh mới, đừng vội chạy đi tìm từ điển hay Google Dịch để tra nghĩa. Thay vào đó, hãy học cách phát âm nó.
Tuy nhiên, nếu việc đầu tiên bạn đã, đang và sẽ làm khi học phát âm là bấm vào biểu tượng loa trong từ điển hay Google Dịch rồi bắt chước lại, thì làm ơn, dừng lại ngay!!
Khác với tiếng Việt, 1 chữ cái trong tiếng Anh sẽ có cách đọc khác nhau. Ví dụ, “a” trong “apple” được phát âm là /æ/ nhưng trong ability lại phát âm là /ə/
Vì vậy, nếu như bạn “bắt chước” theo từ điển ngay từ đầu, bạn sẽ không hiểu được vì sao từ đó lại được phát âm như vậy, và sẽ mãi phụ thuộc vào từ điển khi gặp từ mới. Thế nên, hãy nắm vững IPA (bảng phiên âm quốc tế) để có thể “quất” được phát âm của mọi từ.
Sau đó mới tới bước bắt chước, “nhại” theo từ điển hoặc nhờ thầy cô/bạn bè chỉnh sửa để phát âm chuẩn chỉ.
2. CÁCH VIẾT
“Đồng nghiệp” trong tiếng Anh viết là “colleauge” hay “colleague”?
1 trong những trường hợp đau thương, nhất là khi làm Listening, là rõ ràng bạn biết nhưng không tài nào nhớ được cách viết đúng của từ.
Để tránh điều đó xảy ra, khi học từ, hãy viết đi viết lại từ đó, ít nhất là 20 lần.
Bạn có thể tham khảo cách viết từ sau đây:
(Tiếng Việt) (Tiếng Anh)
(Tiếng Việt) (Tiếng Anh x 2 lần)
...
(Tiếng Việt) (Tiếng Anh x 5 lần)
Mình đã sử dụng cách viết từ năm cấp 2 (gần 7 năm rồi) và thấy vô vùng hiệu quả. Với mình, cách viết này không chỉ giúp mình nhớ chính tả của từ mà còn thuận tiện, nhớ luôn được nghĩa tiếng Việt của nó.
Đọc tới đây, liệu bạn có đang than thở dù đã dùng cả thanh xuân để “chép chính tả” nhưng vẫn chả nạp được từ tiếng Anh nào vào đầu?
Tại sao lại như vậy...?
Khả năng cao là vì bạn đang “học vẹt” và sử dụng từ 1 cách máy móc chưa thực sự hiểu khi nào 1 từ được sử dụng. Vì vậy, để biết 1 từ, yếu tố thứ 3 bạn cần phải nhớ, là cách sử dụng/hoàn cảnh sử dụng từ.
3. CÁCH SỬ DỤNG/HOÀN CẢNH SỬ DỤNG TỪ
Nhiều bạn tra được “sugar” có nghĩa là “đường”, và ra luôn câu “My home is on Trang Tien sugar” (Nhà tôi ở đường Tràng Tiền). Trường hợp trên sẽ không xảy ra, nếu như bạn nhìn vào dòng ví dụ dưới phần nghĩa và biết được “sugar” là đường (để ăn) còn “street” là đường (phố).
Nghiên cứu ví dụ là 1 cách học từ thông minh! Vì vậy, khi tra từ điển (Anh - Việt hay Anh - Anh), hãy nhìn xuống cả phần ví dụ để hiểu được hoàn cảnh sử dụng của từ.
Ngoài ra, 1 từ có thể có nhiều hơn 1 nghĩa, tùy từng hoàn cảnh. Như “run” còn có rất nhiều nghĩa khác ngoài “chạy”; hay “see” không chỉ là “nhìn”. Thế nên, đừng chỉ tập trung vào mỗi dòng nghĩa đầu tiên, mà hay lướt thêm 3-4 nghĩa nữa của từ. Sau đó, với mỗi 1 nghĩa của từ, hãy đặt 1 câu để có thể hiểu và nhớ lâu hơn nhé!
4. HỌ TỪ (WORD FAMILY)
Nếu bạn đã “trót” học 1 từ, thì ngại gì mà không tìm hiểu nốt cả “họ hàng” của nó? Dạng danh từ, động từ, tính từ, và phó từ, đừng bỏ sót!
Ví dụ, khi học compete (verb), hãy học thêm cả competition (noun), competitive (adjective) và competitively (adverb).
5. TỪ ĐỒNG NGHĨA VÀ TRÁI NGHĨA
Hẳn bạn sẽ đồng ý với mình, học từ kèm theo đồng nghĩa và trái nghĩa cũng giống như mua hàng được khuyến mãi. Không chỉ mua 1 tặng 1, mà là mua 1 tặng n (với n lớn hơn 2).
Vì thế, khi học beautiful (xinh đẹp), hãy nạp thêm attractive (thu hút), gorgeous (lộng lẫy), hideous (gớm guốc), và ugly (xấu xí).
Bạn có thể sử dụng Power Therasus (https://www.powerthesaurus.org/) để tra cứu đồng nghĩa/trái nghĩa của từ dễ dàng hơn nhé!
Đó là 5 yếu tố, theo mình, bạn cần ghi nhớ để “biết” 1 từ.
Hi vọng bài viết này là 1 cái phao cho sự nghiệp học từ vựng còn đang “bấp bênh” của bạn! Chúc các bạn học tốt!
(Nguồn: Group IELTS thực chiến)