Hotline
Tài liệu
Tuyển dụng
Chat
Nội dung [Hiện] [Ẩn]

Mình xin chia sẻ cách học Listening của mình để đạt điểm tuyệt đối trong Ielts Listening, hi vọng sẽ giúp được các bạn về kĩ năng này nhé.

flatlay photography of wireless headphones

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Cá nhân mình mình tin kĩ năng Nghe là điểm xuất phát của tất cả. Trong những bước đầu làm quen với ngôn ngữ, một em bé chỉ có thể lắng nghe. Và sau một thời gian nghe từ “Mẹ” nhiều lần, em sẽ bắt đầu nói được từ “Mẹ”, có thể em sẽ phát âm không chuẩn ngay trong lần đầu nhưng rồi em sẽ từ từ sửa được. Trong quá trình phát triển, em được nghe nhiều từ hơn, và nói được nhiều từ hơn. Rồi em sẽ ghép được thành câu, rồi nói được nhiều câu cùng một lúc. Nhưng chỉ đến khi được dạy, em mới biết cách đọc và viết. Thời gian đầu em sẽ đọc không trôi chảy, vì em chưa quen với mặt chữ và em vẫn còn phải học thêm nhiều từ mới. Những ngày đầu đến lớp em sẽ mắc nhiều lỗi chính tả và chỉ viết được những câu đơn, nhưng rồi em học được cách cải thiện.

Mình tin là quá trình học một ngôn ngữ thứ hai cũng hoàn toàn tương tự với quá trình học ngôn ngữ của một em bé. Vậy nên điều đầu tiên là chúng ta phải nghe ĐÚNG.

Và để nghe đúng, có một số lưu ý quan trọng dành cho các bạn như sau:

  • Thứ nhất, chọn nguồn nghe CHUẨN. Dù có thể trong quá khứ giáo viên dạy tiếng Anh của bạn chưa cung cấp cho bạn được cách phát âm đúng, nhưng hiện nay với mạng Internet, Google và Youtube, chỉ cần bạn kiên trì, nguồn nghe chuẩn luôn có sẵn.
  • Thứ hai, chọn nguồn nghe phù hợp:
    • Về accent: mặc dù ở các nước như Anh, Úc, Mĩ, accent của các bạn Nhật, Ấn Độ, Ý… đều được chấp nhận (dù không đúng), chọn một nguồn nghe có accent chuẩn như Anh, Mĩ hay Úc là một lựa chọn tốt hơn rất nhiều. Cụ thể accent nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào bạn thích accent nào hơn, nhưng bạn nên cân nhắc nhé. Lúc trước mình nghĩ là mình nói theo accent Mĩ, vì thầy cô và bạn bè mình đều sử dụng accent này. Sau đó mình cảm thấy rất thích accent Anh nên đã bỏ ra cũng một thời gian để luyện accent này, và rồi mình đi học ở Úc và tiếp xúc với accent Úc khá thường xuyên. Nên cuối cùng là mình cũng không chắc mình có accent nào mạnh nhất. Dù sao đi nữa, accent không được đánh giá trong Ielts Speaking, nên miễn là bạn phát âm rõ và đúng thì vẫn được điểm cao.Tuy vậy, trong quãng thời gian đầu lúc bạn đang làm quen với âm thanh của tiếng Anh, bạn nên cực kì hạn chế nghe những accents khác ngoài accent bạn đang muốn làm quen. Mình sẽ lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Nhờ mình được học bản kí hiệu phiên âm và cách phát âm đúng từ hồi trung học, mình đã phát âm đúng những âm khá khó như âm /d/, /t/ và âm “th” trong từ “think” (mình không tìm được kí hiệu của âm này trong Word, nhưng các bạn hiểu mình nói đến âm nào mà ha). Nhưng thú thật là vì mình học và tiếp xúc với những thầy giảng viên và trợ giảng gốc Ấn Độ khá thường xuyên, đã có lúc mình bối rối vì 3 âm này, và mình đã phải tra lại kiến thức để chắc chắn. Vậy nên các bạn đang tập nghe-nói cần cực kì chú ý điểm này.
    • Về nội dung: Cảm ơn Internet, các bạn có rất nhiều lựa chọn về mặt nội dung. Kênh tin tức CNN (Mĩ) và BBC (Anh) có rất rất nhiều bài nói, bản tin với accent chuẩn và nội dung cực kì thời sự để bạn vừa tập nghe, vừa có thể học từ vựng, lại cập nhật được tin tức thế giới. TED cũng là một nguồn nghe cực kì hay và bổ ích, với những diễn giả là chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực. Bản thân mình rất thích nghe các bài nói từ TED, vì mình vừa biết thêm kiến thức và từ vựng (ví dụ như mình có đam mê về khoa học vũ trụ và cách thức hoạt động của não bộ) vừa học được kĩ năng thuyết trình (i.e. public speaking). Tuy nhiên bạn cũng lưu ý là vì các diễn giả đến từ mọi nơi trên thế giới, accent của họ có thể không chuẩn. Cuối cùng là youtube. Ưu điểm của các youtubers là họ sử dụng những ngôn ngữ cực kì tự nhiên: slangs, idioms, và cả văn hóa nói chuyện của họ đều tốt để bạn học thêm. Khuyết điểm là họ có thể không cung cấp được cho bạn những kiến thức học thuật, và bạn rất dễ bị nghiện. Gần đây mình được bạn gợi ý một kênh có tên là “Community Channel” của một chị người Úc gốc Việt; các videos của chị ý khá vui nhộn nên mình đã có lần ngồi xem liên tục 2 tiếng đồng hồ không chán.
  • Thứ ba, các bài Listening trong bộ sách Cambridge Ielts là một nguồn nghe không thể hoàn hảo hơn. Các bài ghi âm được thực hiện đều có chất lượng cao, người đọc có giọng chuẩn và phát âm cực kì rõ ràng, nội dung thì phù hợp không cần bàn cãi vì đây là kiểu nội dung mà bạn sẽ nghe trong kì thi Listening IELTS thật. Đây là nguồn nghe mà mình thấy tốt nhất, dù có thể hơi chán với một vài bạn.
  • Thứ tư, bạn cần luyện cho mình kĩ năng Nghe KĨ. Trong thời gian đầu bạn chưa quen với tiếng Anh thì điều này là cực kì quan trọng, vì đây sẽ là nền tảng cho cả khả năng Nghe và Nói của bạn. Vậy nghe Kĩ là nghe như thế nào? Đó là kiểu nghe mà bạn tập trung hoàn toàn vào ÂM THANH của vào từng từ một. Bạn có thể không hiểu người nói đang nói gì trong bước này vì não bạn đang bận phân tích âm thanh của từng từ. Nếu luyện được kĩ năng này thành thục, bạn sẽ không bao giờ lẫn lộn giữa “sheep” và “ship”, bạn sẽ không bao giờ bị miss âm cuối “s”, và bạn sẽ có thể đoán được spelling của 1 từ cho dù bạn không biết từ đó.

Okay, sau khi bạn đã nghe quen với âm thanh tiếng Anh và có thể gần như nghe được tròn trịa từng từ mà bạn biết (ví dụ như từ “contract” bạn có thể nghe được âm /t/ ở cuối, và ngược lại nếu bạn nghe từ “know” bạn sẽ thấy là âm /k/ là âm câm), bạn đã hoàn toàn sẵn sàng để luyện các kĩ năng cần thiết cho Listening Ielts, cách thức luyện như sau:

Biết tất cả các dạng câu hỏi của Listening Ielts (khoảng 10-12 dạng) và cách nghe cho từng dạng. Ví dụ như dạng Map bạn sẽ phải chú ý nghe những từ chỉ phương hướng hay định vị, còn đối với dạng Lecture ở Part 4, bạn phải đoán được cấu trúc của bài giảng và bắt được những từ chuyển ý để có thể theo dõi một bài nói dài và phức tạp như vậy.

Biết điểm yếu của mình và tập trung cải thiện. Ví dụ như bản thân, mình từng gặp vấn đề với phần nghe chữ cái và nghe số. Nên mình đã dành ra khoảng 1 ngày để khắc phục điểm này, bằng cách search câu hỏi dạng này và luyện liên tục. Cần nắm chắc những âm khá khó phân biệt như phát âm của chữ cái “A” và số “8”, chữ cái “M” và “N”,… để bảo đảm lấy được điểm trọn vẹn Section 1. Mỗi chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau nên các bạn hãy dành thời gian làm thử đề, phát hiện điểm yếu của mình và khắc phục nhé.

bokeh lights photography of man listening to in-ear earphones

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Một yếu tố tưởng như không quan trọng nhưng có lúc lại đóng vai trò chủ chốt trong phần thi Listening, đó là yếu tố TÂM LÝ. Mình biết nhiều bạn (trong đó có cả mình) bị áp lực nặng nhất với phần Listening vì thường nếu bạn để lỡ 1 câu, bạn quá run và lo lắng, dẫn đến không nghe được 1 vài câu liền sau đó. Đây cũng là 1 trong những lí do vì sao điểm Listening của mình vào lần đầu tiên mình thi Ielts chỉ được 7.0. Mình nhớ lần đó Part 3 là dạng trắc nghiệm, đoạn nghe nói về việc thuê xe đi lại ở Ấn Độ của 1 người khách du lịch với 1 người agent cho thuê xe người Ấn Độ. Cuộc trò chuyện trên điện thoại nên không được rõ, và người agent nói accent Ấn Độ. Lần đó là lần đầu tiên mình nghe accent Ấn Độ nên đã chẳng nghe ra được gì cả trong khoảng 2 câu đầu, mình đã quá hoảng, và hậu quả là mình đã lỡ khoảng 4-5 câu chỉ riêng Part 3. Các bạn rút kinh nghiệm từ mình nhé, mặc dù việc nghe accent Ấn trong bài thi Ielts là cực kì hiếm vì thường các bản ghi âm đều được thu từ người có accent Anh, Mĩ hay Úc, trừ trường hợp như hôm đó mình quá xui.

Từ hôm mình post bài chia sẻ lần đầu đến nay đã có rất nhiều bạn inbox mình là các bạn gặp khó khăn rất nhiều trong Listening, và có vài bạn luyện mãi mà số câu đúng vẫn chỉ được 20/40 câu. Ba lí do có thể cho trường hợp này là:

  • Bạn chưa quen với việc Nghe tiếng Anh, ví dụ như bạn nghe không theo kịp, nghe mà không nhận ra được từ: bạn cần quay lại bước 1 và luyện nghe tiếng Anh thật thường xuyên qua các kênh BBC, TED, Youtube, … Tập trung kĩ năng Nghe Kĩ nhé.
  • Bạn có thể nghe được các cụm từ khá rõ ràng, nhưng không trả lời được các câu hỏi: Bạn cần luyện các kĩ năng cần thiết cho Listening mình viết ở trên.
  • Cả 2 lí do trên: bạn cần cải thiện cả 2.

Để kết thúc phần Listening, mình xin chia sẻ với các bạn câu chuyện của chính mình. Thật ra Listening từng là kĩ năng mà mình kém nhất. Ngày xưa học trung học mà mỗi lần kiểm tra có phần Listening ha, là thế nào điểm Listening cũng thấp nhất trong tất cả. Mình cũng từng bị “nghe mà chẳng nghe được gì”, “người nói quá nhanh và mình chẳng thể theo kịp”, rồi “mình đọc còn không hiểu một vài từ trong đề Listening”, và còn “part 4 hả, thôi bỏ qua chắc rồi”. Và mình tin là các bạn cao thủ Ielts nào cũng từng gặp vấn đề tương tự. Vậy nên, khó khăn dĩ nhiên ai cũng có, nhưng bạn đã biết phương pháp, bạn đã có cách học, bạn kiên trì luyện tập và bạn sẽ cải thiện. Bạn hãy tin mình nhé, một lúc nào đó bạn sẽ đi thi Listening 9.0 và cảm thấy hoàn toàn bình thường.

Nguồn: Hội luyện thi Ielts trên Scholarship Planet

Bình luận
Đăng ký nhận tư vấn miễn phí