Hotline
Tài liệu
Tuyển dụng
Chat

Hôm nay, mình muốn viết đôi dòng chia sẻ kinh nghiệm tự học và ôn thi IELTS của mình. Đầu tiên là kỹ năng Listening (mình thi 14/12/2019, và có kết quả 27/12/2019, đạt 9.0 Listening). Những kinh nghiệm dưới đây có thể phù hợp với người này, nhưng có thể không phù hợp với những người khác, nên nếu có gì không phải, mong mọi người bỏ qua.

1) Thông tin cơ bản về xuất phát điểm của mình:

man sitting in front of silver MacBook

- Mình bắt đầu ôn thi IELTS từ tháng 5/2019, và quyết tâm đến tháng 12/2019 thi lại để lấy chứng chỉ. - Mình đã thi IELTS lần 1 từ năm 2013 (cách đây rất lâu rồi, và tất cả các kỹ năng đều đạt 6.5). Thời điểm đó mình nhận thấy mình chưa có sự đầu tư nghiêm túc và sự chăm chỉ cần thiết, nên mình chỉ học và ôn trong 1 tháng, điểm vẫn dậm chân tại chỗ sau 1 tháng ôn thi.

- Mình quyết tâm thi lại với mục tiêu đạt 7.5 để phục vụ cho công việc sắp tới của mình, trung bình mỗi ngày mình dành ra khoảng 2-3h để học, vì ban ngày mình còn đi làm cả ngày, tối về lại có con nhỏ).

2) Listening:

flatlay photography of wireless headphones

- Đây là kỹ năng mình tự tin nhất, vì khi luyện đề Cam ở nhà, mình đã đạt 9.0 (40/40 câu rồi). Nên đến khi thi thật, mình cũng đạt 9.0 ở kỹ năng này. Tuy nhiên, để đạt được số điểm này, thì cần có cả 1 quá trình. Mình cũng có làm file theo dõi tiến độ và hiểu rằng điểm số của bạn chỉ thực sự cải thiện khi bạn dành đủ thời gian, và không thể nóng vội. Mình cũng đi từ 30 câu đúng, lên 32 câu, rồi 33 câu, 35 câu và cuối cùng là 40 câu. Mình nghĩ kỹ năng này điểm mình cao nhất đơn giản vì mình dành nhiều thời gian cho nó nhất.

- Nguồn nghe: Mình chỉ luyện nghe trong bộ đề Cam, từ Cam 7 đến 14. Thực sự có nhiều cao thủ lựa chọn nghe tự nhiên theo các chủ đề mà mình yêu thích qua các video trên Youtube, nhưng mình thấy phương pháp này không phù hợp với mình. Mình muốn luyện nghe theo đúng bộ Cam, rồi làm đi làm lại tất cả các bài test trong đó, mình nghe hết 1 lượt rồi mình lại nghe lại lượt thứ 2 từ Cam 7 đến Cam 14 thì đi thi.

Theo mình, khi làm đề trong Cam, vừa giúp mình luyện kỹ năng nghe, đồng thời còn giúp mình tự rút ra chiến thuật làm bài của riêng mình, và rèn luyện kỹ năng làm bài, phản xạ làm bài. Hơn nữa, một số từ vựng trong bài nghe IELTS còn có tần suất lặp lại rất cao, nên việc nghe nhiều đề trong này cũng giúp mình tăng điểm số.

3) Phương pháp làm bài và cách khắc phục lỗi sai phổ biến:

man holding on tablet while sitting on chair in restaurant

Đây là những lưu ý nhỏ mà tự mình đúc rút được sau quá trình tự ôn IELTS, mong là có thể giúp ích được mọi người phần nào:

+/ Lỗi “có s” hay “không s”: mình cũng không nói tới các dấu hiệu giúp dự đoán như các yếu tố ngữ pháp nữa.

Cách đơn giản nhất là khi đọc trước câu hỏi, và dự đoán được từ cần điền là một danh từ, thì bạn cần phải “nghe có mục đích trước” là nghe kỹ xem người nói phát âm “có s” hay “không s”; khi mình có toan tính trước là cần phải nghe kỹ từ này, thì bạn sẽ tránh được trường hợp nghe thấy từ đáp án là vui quá, nên ghi luôn đáp án, rồi không nhớ “có s” hay “không s”.

+/ Nên download một danh sách tất cả những từ vựng thường gặp, và có tần suất gặp rất cao trong các bài thi nghe IELTS

+/ Với mình, dạng bài “Multiple choices” là dạng bài khó nhằn nhất, mình đã cố gắng làm chủ dạng bài này bằng cách đọc kỹ câu hỏi và gạch chân từ khóa trong câu hỏi và các đáp án; rồi so sánh các đáp án, tiếp theo, tìm ra mối liên hệ giữa các đáp án (tương đồng, hay đối nghịch,...), khả năng cao là đáp án của câu hỏi đó sẽ rơi vào các đáp án na ná nhau, hoặc đối ngược nhau. Sau đó thì chỉ có tập trung nghe và khoanh chọn đáp án ngay khi nghe thấy đáp án đúng.

+/Thi thoảng mình cũng sẽ dùng phương pháp take note vì mình viết rất nhanh, nên cũng không ảnh hưởng đến tốc độ nghe của bài. Nhưng mình khuyên những bạn có khả năng viết không nhanh thì không nên áp dụng phương pháp này, mà nên tập trung nghe thôi.

+/ Tận dụng thời gian để nghe mọi lúc, mọi nơi khi có thể, mình nghe nhiều đến nỗi hơi chểnh mảng 3 kỹ năng còn lại (điều này cũng không tốt lắm). Các bạn nên cân đối thời gian, nhưng những khi có thời gian rảnh như nấu cơm, đi xe buýt,… bạn có thể tận dụng để luyện nghe.

+/ Sau khi nghe xong, mình kiểm tra lại các đáp án (thời gian đầu có những câu sai, mình nghe đi nghe lại câu sai nhiều lần, đến khi nghe rõ mới thôi).

+/ Kết thúc 1 bài nghe, mình lại học tập lại những từ vựng, cấu trúc hay, cách diễn đạt tự nhiên của người bản xứ để phục vụ cho kỹ năng Speaking và Writing.

+/ Mình biết trên mạng có nhiều bộ đề “Recent Actual Tests”, cả bản sách và cả bản trên IOT, tuy nhiên, mình không thích nghe từ các nguồn này, vì giọng nói không sát với bài thi thật, nên mình chỉ dùng nguồn này để luyện Reading mà không luyện Listening.

Cuối cùng, quan trọng nhất mình nghĩ vẫn là Quyết tâm + Chăm chỉ. Chúc tất cả các bạn thành công!

Tác giả: Trần Hải Yến

Bình luận
Đăng ký nhận tư vấn miễn phí